VI EN

Những câu chuyện quà tặng cuộc sống về mẹ hay và ý nghĩa nhất

Tin tức |  20/01/2022

Mỗi người sinh ra là một món quà và con cái là món quà quý giá nhất của mẹ. Tình yêu của mẹ luôn theo con trên mọi nẻo đường gian khó của cuộc đời, luôn âm thầm dõi theo và mong con có được cuộc sống tốt đẹp nhất. Sau đây, Everon sẽ tổng hợp top 4 câu chuyện hay, ý nghĩa nhất về mẹ, mời bạn cùng theo dõi.

Những câu chuyện quà tặng cuộc sống về mẹ

1. Câu chuyện "Tình mẹ"

Cậu bé nhỏ mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học.

Điều cậu sợ đã thành sự thật, mẹ cậu nhận lời. Đây là lần đầu tiên giáo viên chủ nhiệm và bạn bè gặp mẹ cậu nhưng cậu lại rất xấu hổ vì ngoại hình của mẹ mình. Mặc dù bà cũng là một người phụ nữ đẹp nhưng lại có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải. Và cậu bé cũng chưa bao giờ hỏi mẹ tại sao có vết sẹo lớn đến vậy.

Vào buổi họp mặt, tất cả mọi người đều ấn tượng bởi sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo dài, thế nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và thu mình vào một góc tránh ánh mắt mọi người.

Ý nghĩa câu chuyện quà tặng mẹ

Ở đó, cậu bé nghe được mẹ nói chuyện với cô giáo. Cô giáo của cậu hỏi: "Làm sao chị bị vết sẹo lớn như vậy trên mặt?". Người mẹ từ tốn trả lời: "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa quá to, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống, tôi đã vội vàng lấy thân mình che cho cháu. Và rồi tôi ngất xỉu, nhưng thật may đã có một anh lính cứu hỏa vào và cứu cả hai mẹ con tôi."

Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt, mỉm cười nói: "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho đến giờ, tôi chưa hề hối tiếc về việc mình đã làm." Nghe đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình, nước mắt lưng tròng và ôm chầm lấy mẹ. Cậu bé cảm nhận được tình yêu, sự hy sinh của mẹ dành cho mình, cậu nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó như không buông.

2. Câu chuyện "Xin đừng làm mẹ khóc"

Người mẹ cất tiếng hỏi trong nỗi mừng vui sau một cuộc vượt cạn mệt nhọc: “Con tôi đâu”. Với khuôn mặt rạng ngời, chị đón lấy đứa bé từ tay bác sĩ. Và nụ cười bỗng tắt lịm khi chị nhìn thấy cấu tạo tai ngoài của đứa bé không như những đứa trẻ khác.

Thế nhưng đứa trẻ vẫn có thể nghe hiểu được bình thường, điều này có nghĩa cấu tạo tai trong vẫn phát triển tốt. Dù vậy, người mẹ vẫn cảm thấy xót xa và có lỗi với đứa con. Ngược lại, theo thời gian, đứa trẻ vẫn sống vô tư, không hay biết gì về dị tật của mình.

Cho đến một ngày, cậu bé đi học về, chạy đến ôm chầm lấy mẹ rồi òa khóc: “Mẹ ơi! Các bạn trêu chọc con là đứa trẻ bị ‘cụt’ tai”. Những lời nói của con như vết dao cứa vào trái tim người mẹ. Ôm chặt con vào lòng, người mẹ như ôm cả nỗi đau đớn của mình. Rồi cậu bé bỗng ngừng khóc, quay qua nhìn mẹ, cậu bé rắn rỏi nói: “Con sẽ chứng minh rằng con tuy khuyết tật về thân thể, nhưng con  không khuyết tật về tâm hồn. Mẹ đừng khóc nữa, mẹ nhé!”.

Ngày tháng trôi qua, cậu bé lớn lên với khuyết tật của cơ thể. Như để minh chứng cho lời hứa năm nào, cậu bé luôn chuyên tâm học tập, không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi. Cậu còn có năng khiếu vượt trội về bộ môn ngữ văn và thanh nhạc. Thành tích học tập của cậu bé xuất sắc đến nỗi giáo viên luôn khẳng định với cha mẹ cậu bé rằng, nếu tiếp tục trau dồi, bé sẽ là một nhân tài của đất nước. Giờ đây, người mẹ bắt đầu an lòng hơn về khiếm khuyết của con, tuy rằng từ sâu thẳm trái tim, người mẹ vẫn ước con mình được lành lặn về thân thể.

Một ngày kia, cuộc đời cậu bé dường như mở ra với một tia hy vọng mới. Các bác sĩ khẳng định cậu có thể được ghép tai, chỉ cần có người đồng ý hiến tai cho cậu. Thế là cha mẹ cậu lao vào cuộc tìm kiếm người có thể hiến tai cho con mình. Một ngày nọ, người cha trở về nhà với gương mặt phấn khởi và thông báo rằng: “Cha đã tìm được người tự nguyện hiến tai cho con”.

Cuộc phẫu thuật thành công, cậu bé được ghép một đôi tai lành lặn, hoàn hảo. Thế nhưng, cậu bé không tìm được ra người đã tặng tai cho mình. Người ta bảo rằng người đó muốn hy sinh thầm lặng và quyết không tiết lộ danh tánh.

Thế rồi cậu bé lớn lên và trở thành một nhạc sĩ vô cùng nổi tiếng ở cả những nước lân cận. Thế nhưng, cậu vẫn luôn trăn trở về việc chưa thể đền đáp người đã hiến tặng đôi tai cho mình. Thi thoảng, trong những lần hiếm hoi về thăm cha mẹ, chàng trai lại hỏi về thông tin của vị ân nhân, nhưng cha cậu chỉ lắc đầu tuyệt vọng. Còn người mẹ chỉ lặng lẽ xõa tóc ngồi lặng im trong một góc phòng ấm áp nhìn cậu. 

Kể từ ngày con trai được ghép tai và bắt đầu cuộc sống tự lập, người mẹ trở nên xa cách dần. Bà không còn hàn huyên trò chuyện cùng cậu, thậm chí đôi lúc chàng trai cảm giác như người mẹ đang cố lẩn tránh mình. Thế nhưng, cuốn theo vòng xoáy của công việc, anh lại tiếp tục xa gia đình với những chuyến lưu diễn dài ngày.

Một ngày nọ, chàng trai được tin mẹ mình ốm nặng. Đáp chuyến bay sớm nhất về nhà, anh lao đến bệnh viện tìm mẹ. Nhìn mẹ thoi thóp những hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, cậu cúi xuống ôm mẹ khóc nức nở. Chàng trai hôn lên đôi tay gầy guộc bao năm tảo tần nuôi anh khôn lớn, hôn lên vầng trán hằn những nếp nhăn thời gian, rồi run run, anh vuốt nhẹ mái tóc bạc trắng của mẹ. Bỗng anh bàng hoàng nhận ra: mẹ đã không còn đôi tai nữa. Giờ thì anh đã hiểu vì sao bao năm nay, mẹ luôn tìm cách trốn tránh mình. Anh cũng nhận ra sự thật là đã nhiều năm rồi, mẹ không cắt tóc, rất ít khi ra khỏi nhà và không giao tiếp với những người xung quanh.

Rưng rưng khóc, chàng trai quỳ xuống, ôm lấy cơ thể nhỏ bé của bà. Anh hôn lên má, lên trán những cái hôn đầy yêu thương và thầm thì: “Mẹ ơi! Mẹ đã cho con sự sống và ban tặng cả cuộc đời của mẹ cho con!”.

3. Câu chuyện "Hoa hồng tặng mẹ"

Một anh chàng dừng lại bên tiệm hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Vừa bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc, anh bước đến và hỏi lý do đứa bé khóc.

Nó nức nở trả lời: “Cháu muốn mua một bồng hoa hồng tặng mẹ cháu, nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá hoa hồng là 20 đô la.”

Anh mỉm cười và nói: Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.

Anh mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không? Nó vui mừng trả lời: “Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.”

Rồi nó chỉ đường cho anh lái đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói: “Đây là nhà của mẹ cháu.”

Nói xong, nó nhẹ nhàng đặt nhánh hoa hồng lên mộ.

Tức thì anh quay lại tiệm hoa hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hoa hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh lái một mạch 300km về nhà để trao tận tay mẹ bó hoa này.

4. Câu chuyện "Người mẹ ăn xin"

Có một người mẹ rất yêu thương con trai của mình, mặc dù nhà nghèo nhưng bà luôn cố gắng tìm cách để con trai được đến trường học tập.

Công việc của bà là mang bao đi từng nhà để xin gạo cho con được no bụng và có tiền đến trường. Vì bà biết nếu con trai và hàng xóm biết, con bà sẽ xấu hổ mà không chịu đi học nữa, nên bà thường đến những nơi rất xa để xin gạo. Từng ngày như thế trôi qua, đứa con của bà cũng vào được đại học bằng những nắm gạo mà mẹ cậu đi xin mà chẳng hề biết gì về công việc của bà.

Ngày cậu nhập học cũng là ngày mẹ đã già và bao khoản phí đè nặng trên vai người mẹ ấy. Ngày ấy, sinh viên đi học sẽ ở bán trú nên mỗi gia đình phải gửi gạo lên để nhà bếp nấu ăn cho sinh viên. Cứ đầu mỗi tháng người mẹ lại mang vài trăm nghìn và một bao gạo lên cho nhà bếp. Bà không để cho người con biết, bà lặng lẽ đi từ cổng sau để mang gạo vào nhà bếp trường.

Khi đến nhà bếp, người đầu bếp thấy một bà cụ gương mặt nhăn nheo, đôi mắt sâu và làn da rám nắng. Người đầu bếp hỏi bà đi đâu, bà nói “Tôi mang gạo đến nộp cho con tôi”. Người đầu bếp mở bao gạo ra kiểm tra, không khỏi ngạc nhiên pha lẫn khó chịu rồi nói “Bà mang gạo về đi, chúng tôi không nhận nhiều thứ gạo bỏ cùng một bao như thế này”. Bà lão cúi gầm mặt xuống, với vẻ cầu xin và nói “Nhà tôi nghèo lắm, tôi chỉ có gạo thế này xin anh nhận dùm cho”. Thấy vẻ mặt bà lão tội nghiệp, người đầu bếp đành nhận và dặn: “Lần sau tôi không nhận gạo như thế này nữa đâu”. Nói xong bà lão cúi đầu cảm ơn rồi lặng lẽ ra về.”

Rồi 1 tháng lại trôi qua, bà lại mang bao gạo với rất nhiều loại gạo như trước, bà cố gắng nài nỉ để người đầu bếp nhận, lần này anh ta rất cáu gắt nhưng vẫn nhận. Trong lòng anh ta tự nhủ, tháng sau tôi sẽ không nhận thứ gạo này, nấu cơm thật khó khăn. 

Lại 1 tháng nữa, bà lão vẫn cứ mang thứ gạo như những lần trước, lần này người đầu bếp mắng bà: “Tôi đã nói với bà rồi, tôi không nhận gạo này nữa. Bà đem về đi!”. Lần này, bà ngồi phệt xuống đất, những giọt nước mắt bắt đầu lăn trên gương mặt gầy, bà nói: “Tôi xin lỗi, nhưng thực sự không còn cách nào khác,  xin anh đừng báo với hiệu trưởng, tôi xin đừng để con trai tôi biết, vì đây là gạo hằng ngày tôi đi xin được nên nó mới như thế.” Nghe đến đây, người đầu bếp lặng người đi, ngồi xuống đỡ bà cụ lên và nói: “Cho tôi xin lỗi, tôi không biết chuyện này. Tôi sẽ báo chuyện với Hiệu Trưởng nhưng không để con bà biết đâu, bà yên tâm.”

Trên đây là 4 câu chuyện hay, ý nghĩa nhất về mẹ mà Everon muốn gửi tặng đến bạn. Qua đây, tình yêu của mẹ dành cho con là to lớn, bao la biết nhường nào. Vậy nên, hãy yêu thương, quan tâm mẹ ngay từ bây giờ để không hối hận về sau.

Xem thêm:

Top 20 món quà tặng ý nghĩa cho mẹ bầu nhân dịp 20/10

Top 10 món quà dành tặng mẹ bỉm sữa thiết thực nhất


0 bình luận

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.06844 sec| 2688.117 kb